Phòng ngừa hiểm họa cháy, nổ từ khí gas

TRUNG TÂM THIẾT BỊ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY 4/10 22/05/2020
phong-ngua-hiem-hoa-chay-no-tu-khi-gas

Theo phân tích của chuyên gia PCCC thì nhiệm vụ kiểm tra thiết bị liên quan đến khí gas là rất quan trọng, ai cũng phải thực hiện nếu có bình gas trong nhà.

Đối với quán kinh doanh đồ ăn, nếu dùng gas để làm chất đốt thì nhiệm vụ quan trọng này phải được thực hiện theo từng giờ và có quy trình nghiêm ngặt đối với những đầu bếp liên quan đến sử dụng khí gas. Đó là những nguyên tắc sống còn như: “Khóa van bình gas chặt khi không sử dụng”, kiểm tra thường xuyên các đường vòi dẫn khí gas để kịp thời thay thế tránh gây cháy, nổ, lắp đặt thiết bị cảnh báo rò rỉ khí gas…

Đặc biệt, đối với cơ sở kinh doanh mà có chứa nhiều bình gas bên trong để phục vụ đun nấu, thì quy định về kho chứa gas phải nằm ngoài tách khỏi khu nhà nấu nướng và có phòng khách ăn uống. Hệ thống chứa gas và an toàn phòng chống cháy, nổ khí gas phải được thẩm duyệt của cơ quan có trách nhiệm.

Quy định đã rõ, nhưng thực tế ghi nhận thì lại không mấy ai thực hiện. Sự lơ là và xem nhẹ việc tuân thủ an toàn phòng chống cháy, nổ khí gas của người dân đều được trả giá bằng những vụ nổ gây sập nhà và hư hại tài sản.

Có nhiều nguyên nhân gây cháy, nổ khí gas, song sự chủ quan của con người thể hiện rất rõ. Ngoài việc không trang bị thiết bị an toàn cháy, nổ khí gas thì nhiều quán do nhân viên thay đổi liên tục, có khi nhân viên mới được tập huấn, hướng dẫn sử dụng thành thạo phương tiện PCCC, phòng chống, cháy nổ khí gas xong thì lại chuyển chỗ làm khác. Việc thay đổi nhân viên mới và cũ dẫn đến những quy trình, quy định an toàn PCCC đối với khu bếp nấu có sử dụng khí gas cũng bị ảnh hưởng, cùng với đó là việc giám sát thiếu chặt chẽ của chủ cơ sở.

Với những tình huống hở khí gas, biện pháp an toàn nhất là không được bật bất cứ hệ thống điện công tắc nào trong khu vực. Hãy khóa van gas cẩn thận và dùng tấm bìa cứng hoặc vật dụng tương tự đẩy khí gas ra ngoài, đồng thời di tản những người trong nhà ra khỏi ngôi nhà và thông báo cho Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114.

Trường hợp, nếu bình gas đã xảy cháy thì bình tĩnh dùng bình bột xách tay phun thẳng vào đám lửa. Lưu ý, bình gas trong trường hợp hở, bốc cháy thì không thể phát nổ được, do đó cần bĩnh tĩnh xử lý.

Bình/chai chứa gas đặt thẳng đứng, nơi thông thoáng, không đặt cạnh các nguồn khí nén khác và cách xa nguồn nhiệt 1m. Các mối nối giữa dây với van, bếp phải chặt và kín.

Không tự ý tháo dỡ các phụ kiện của bình/chai chứa gas, không dùng lực quá mạnh để đóng hoặc mở van bình/chai chứa gas. Không để thiết bị sử dụng gas đè lên dây dẫn gas hoặc để dây dẫn gas gần nguồn nhiệt.

Luôn vệ sinh sạch sẽ bếp, dây dẫn gas, van bình nhằm loại bỏ điều kiện động vật gặm, cắn dây. Thường xuyên kiểm tra rò, rỉ bằng nước xà phòng, tuyệt đối không được dùng bật lửa, diêm soi dò chỗ hở. Luôn khóa van cổ bình khi không sử dụng.

Biện pháp xử lý khi phát hiện rò, rỉ khí gas: Tuyệt đối không làm phát sinh tia lửa như: bật/tắt công tắc điện, quạt điện, sử dụng điện thoại di động. Ngay lập tức khóa van cấp gas; mở thông thoáng các cửa, dùng quạt thủ công để làm phát tán khí gas.

Nếu thấy chỗ rò, rỉ thì dùng vải ướt quấn quanh chỗ rò, rỉ hoặc dùng xà phòng bánh để bịt lỗ rò, rỉ tạm thời; Nếu xảy ra sự cố khi đang sử dụng, phải dùng chăn ướt phủ lên bếp hoặc bình cho tắt lửa hoặc dùng bình chữa cháy phun dập tắt đám cháy; Báo ngay cho nhà cung cấp đến xử lý.